1. Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, kể lại từng đoạn câu chuyện:

* Tham khảo cách kể sau:

+ Tranh 1: Quê ngoại tôi có một phong tục đáng yêu: Vào đêm rằm tháng Giêng, tất cả các cô gái trong làng tròn mười lăm tuổi đều được đến hồ Hàm Nguyệt, một hồ nước đẹp và rộng nằm trong khuôn viên chùa làng để rửa mặt bằng nước hồ và nói lên điều nguyện ước của đời mình dưới ánh trăng. Người xưa truyền lại rằng hầu hết lời nguyện ước của các cô gái, sau này đều ứng nghiệm.

+ Tranh 2: Năm nay, chị gái tôi đi học xa cũng tròn tuổi trăng rằm. Trước rằm tháng Giêng vài ngày, bà đã cho gọi chị về để hưởng tục lệ linh thiêng này. Đêm thiêng liêng ấy, chị tôi đi rồi, tôi tò mò theo chị để xem. Ra đến cổng, tôi gặp chị Ngàn. Chị Ngàn trạc tuổi như chị tôi. Chị bị mù từ nhỏ nhưng đẹp người đẹp nết. Mái tóc chị dài và óng mượt hiếm thấy. Lúc nào mái tóc ấy cũng thoang thoảng mùi của hoa bưởi, hoa nhài, hoa lan được chị kín đáo gài sau chiếc kẹp tóc. Chị làm bánh, làm mứt ngon nhất làng. Trông thấy chị lần bước ra đường, tôi hiểu chị cũng đi ra hồ như chúng bạn cùng trang lứa. Thương chị, tôi đến bên, dắt chị đi.

Trên đường đi, tôi hỏi chị:

- Chị Ngàn ơi, lát nữa chị định ước điều gì? Chị có thể cho em biết được không?

Chị Ngàn không trả lời tôi. Chị lặng lẽ nghĩ ngợi điều gì đó. Chắc chị cũng sẽ ước như bao cô gái khác: ước sao cho có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị tuy không lành lặn như những người khác nhưng đẹp người và chăm chỉ, khéo léo như vậy, chị đáng được hưởng hạnh phúc lắm chứ!

Ánh trăng bát ngát, dịu dàng đậu xuống trần gian. Mặt đất và mọi vật như được nhuộm một màu vàng trong trẻo. Dưới ánh trăng đẹp, tôi nhìn thấy gương mặt chị Ngàn vừa chứa đựng niềm vui thánh thiện, vừa có vẻ gì bí ẩn.

+ Tranh 3: Chị em tôi ra tới hồ, dù có khá nhiều cô gái tới đây nhưng không khí nơi này vẫn tĩnh mịch và chứa đầy vẻ thiêng liêng. Tôi đưa chị Ngàn đến mép hồ. Chị quỳ xuống, rồi từ từ đưa hai lòng bàn tay xuống mặt hồ, vốc làn nước đẫm ánh trăng áp lên mặt. Ánh trăng lung linh hôn lên má, chảy trên tóc chị. Sau đó, chị chắp hai tay trước ngực, nén xúc động nói khẽ lời cầu nguyện linh thiêng của đời mình:

- Con ước gì... mẹ chị Yên... bác hàng xóm bên nhà con được khỏi bệnh.

Nói xong, chị từ từ đứng dậy, gương mặt chị rạng rỡ hạnh phúc.

Tôi nhìn chị ngỡ ngàng: “Cả đời người chỉ được ước một lần, sao chị lại dành điều ước tốt lành cho bác hàng xóm?”.

+ Tranh 4: Tôi đưa chị Ngàn về trong lặng lẽ và phân vân. Gần đến nhà, chị Ngàn xiết chặt tay tôi, nói:

- Em ạ, nhà chị Yên xóm mình nghèo nhất làng. Năm ngoái, chị Yên tròn mười lăm tuổi. Đêm rằm tháng Giêng, mẹ chị ấy đổ bệnh nặng, chị ấy phải chăm sóc mẹ suốt đêm. Khi trăng lặn, biết mình không còn cơ hội nói điều ước thiêng liêng, chị ấy đã khóc như mưa. Nay mẹ chị ấy vẫn bệnh, chị ước thay cho chị Yên. Chị mồ côi mẹ nên chị hiểu nỗi bất hạnh khi không còn mẹ.

Tôi đã hiểu ra rồi. Chị Ngàn ơi, khi nào em mười lăm tuổi, em sẽ...

2. Kể toàn bộ câu chuyện.

Liên kết các đoạn ta được toàn bộ câu chuyện.

3. Trao đổi với các bạn về nội dung câu chuyện:

a) Cô gái mù trong câu chuyện cầu nguyện điều gì?

Cô gái mù trong câu chuyện cầu nguyện cho bác hàng xóm bên nhà được khỏi bệnh.

b) Hành động của cô gái cho thấy cô là người như thế nào?

Hành động của cô cho thấy cô là người nhân hậu, biết nghĩ đến người khác.

c) Ý nghĩa câu chuyện.

Những điều ước cao đẹp mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người nói điều ước, cho tất cả mọi người.

d) Em hãy tìm một kết cục vui cho câu chuyện trên.

Kết cục vui của câu chuyện có thể là: Khi tôi tròn 15 tuổi. Đúng đêm rằm tháng Giêng, tôi đã ước cho đôi mắt của chị Ngàn sáng lại. Điều ước thật linh nghiệm. Năm ấy, chị Ngàn đã sáng mắt trở lại sau khi được các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh phẫu thuật. Giờ chị sống rất hạnh phúc. Chị đã có gia đình: một người chồng tử tế và một đứa con trai hai tuổi xinh xắn, bụ bẫm cùng với việc làm ổn định.