Câu 1. Ghi lại những từ trong bài tập đọc Trung thu độc lập cùng nghĩa với từ ước mơ.
Mơ tưởng, mong ước:
- Mơ tưởng có nghĩa là mong mỏi và tưởng tượng ra điều mình mong muốn sẽ đạt được trong tương lai.
- Mong ước có nghĩa là cầu mong và ước ao những điều tốt đẹp trong tương lai.
Câu 2. Tìm thêm những từ cùng nghĩa với từ ước mơ:
a) Bắt đầu bằng tiếng ước (ước muốn, ước mong, ước ao, ước mơ, ước vọng,...).
b) Bắt đầu bằng tiếng mơ (mơ ước, mơ mộng, mơ tưởng,...).
Câu 3. Ghép thêm vào sau từ ước mơ những từ ngữ thể hiện sự đánh giá:
Từ ngữ để chọn: đẹp đẽ, viển vông, cao cả, lớn, nho nhỏ, kì quặc, dại dột, chính đáng.
- Đánh giá cao (ước mơ cao đẹp, ước mơ cao cả, ước mơ đẹp đẽ, ước mơ lớn, ước mơ chính đáng).
- Đánh giá không cao (ước mơ bình thường, ước mơ nho nhỏ).
- Đánh giá thấp (ước mơ tầm thường, ước mơ viển vông, ước mơ kì quặc, ước mơ dại dột).
Câu 4. Nêu ví dụ để minh hoạ cho mỗi loại ước mơ nói trên.
- Ước mơ được đánh giá cao: là những ước mơ vươn lên làm những việc có ích cho mọi người: ước mơ trở thành nhà khoa học, ước mơ trở thành bác sĩ giỏi chữa bệnh cho người nghèo, ước mơ thành một doanh nghiệp lớn góp phần làm giàu cho đất nước. Ước mơ về một cuộc sống no đủ không có chiến tranh.
- Ước mơ không được đánh giá cao: là những ước mơ thiết thực, giản dị, có thể thực hiện được mà không cần nỗ lực lớn.
Ví dụ: Ước mơ có được một chiếc xe đạp; ước mơ được đi du lịch, ước mơ có tiền mua đồ chơi hay những truyện tranh mà mình thích...
- Ước mơ bị đánh giá thấp: là những ước mơ tầm thường, viển vông, phi lí, không thể thực hiện được; hoặc là những ước mơ ích kỉ, có lợi cho bản thân nhưng gây hại cho người khác.
Ví dụ: Ước không phải học bài mà bài làm vẫn được điểm cao, ước biến thành siêu nhân như trong phim viễn tưởng,...
Câu 5. Em hiểu các thành ngữ dưới đây như thế nào?
a) Cầu được ước thấy.
b) Ước sao được vậy.
c) Ước của trái mùa.
d) Đứng núi này trông núi nọ.
+ Câu a và b có nghĩa là thoả mãn được điều mong ước.
- Ví dụ: Mình đang cần một chiếc bút mà cậu lại cho mình mượn. Đúng là “Cầu được ước thấy”.
- Này, “Ước sao được vậy” nhé! Cậu đã được chọn vào đội bóng của khối lớp 4 rồi đấy!
+ Câu c có nghĩa là ước muốn những điều khó thành hiện thực, trái với lẽ thường.
- Ví dụ: Cậu chỉ toàn “Ước của trái mùa”! Bây giờ là mùa đông, làm gì có sấu?!
+ Câu d có ý phê phán những người thiếu kiên định, không bằng lòng với hiện tại đang có, hay mơ tưởng tới những điều không phải của mình, quá tầm tay mình.
- Ví dụ: Lan ơi! Bạn hãy ở lại lớp 4P với chúng mình! Đừng “Đứng núi này trông núi nọ!”.