I. Nhận xét:

1. Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

CÁI CỐI TÂN

Cái cối xinh xinh xuất hiện như một giấc mộng, ngồi chễm chệ giữa gian nhà trống.

U gọi nó là cái cối tân. Cái vành, cái áo đều làm bằng nan tre. Hai cái tai nó bằng tre già màu nâu. Mỗi tai có một cái lỗ tròn xoe. Lúc nào, tai cũng tỉnh táo để nghe ngóng. Cối có hai hàm răng bằng gỗ dẻ. U gọi là dăm. Răng nó nhiều, ken vào nhau. Vậy nên, người ta nói “chật như nêm cối”. Nói đến cối lại phải nói đến cần. Cái cần dài bằng tre đực vàng óng. Đầu cần là củ tre, có cái chốt. Cái chốt bằng tre mà rắn như đanh, móc vào tai cối. Từ chỗ tay cầm có cái thừng buộc vào xà nhà. Đẩy đi kéo lại, cối kêu ù ù.

Chọn được ngày lành tháng tốt, u đong một gánh thóc vàng ươm về. Đổ vào lòng cối, u xay thử. Từ xung quanh cối, gạo lẫn trấu chảy xuống vành rào rào như mưa. U vốc ra một nắm, tãi ra, thổi phù phù. Cả vốc gạo chỉ lỏi một vài hạt thóc. U gật đầu nói: “Cối tuy mới, chưa thuần nhưng mà nó xay được thế này là nhất đấy!”. Cứ thế ngày lại ngày qua, đêm đêm tôi xay lúa với u. Đêm đêm tiếng cối ù ù vui cả xóm...

Cái cối xay cũng như những đồ dùng đã sống cùng tôi - cái võng đay, cái chiếu manh, cái mâm gỗ, cái giỏ cua, cái chạn bát, cái giường nứa... - tất cả, tất cả chúng nó đều cất tiếng nói: “Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi...”.

a) Bài văn tả cái gì?

Bài văn tả cái cối xay lúa. Cách đây ba, bốn chục năm, ở nông thôn chưa có máy xay xát gạo như hiện nay nên người ta vẫn dùng cối xay bằng tre để xay lúa. Hiện nay, ở một số gia đình nông thôn miền Bắc và miền Trung vẫn còn loại cối này.

b) Tìm các phần mở bài, kết bài. Mỗi phần ấy nói điều gì?

- Phần mở bài: “Cái cối xinh xinh xuất hiện như một giấc mộng, ngồi chễm chệ giữa gian nhà trống”. Giới thiệu cái cối (đồ vật được miêu tả).

- Phần kết bài: “Cái cối xay cũng như những đồ dùng đã sống cùng tôi... theo dõi từng bước anh đi...”. Nêu kết thúc của bài (tình cảm gắn bó thân thiết giữa các đồ vật trong nhà với người bạn nhỏ).

c) Các phần mở bài, kết bài đó giống với những cách mở bài, kết bài nào đã học?

- Phần mở bài: giới thiệu ngay đồ vật được miêu tả là cái cối tân (mở bài trực tiếp).

- Phần kết bài: bình luận thêm (kết bài mở rộng).

d) Phần thân bài tả cải cối theo trình tự như thế nào?

- Tả hình dáng theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, từ ngoài vào trong, từ phần chính đến phần phụ: cái vành → cái áo ; hai cái tai → lỗ tai; hàm răng cối → dăm cối; cần cối → đầu cần → cái chốt → dây thừng buộc cần.

- Tiếp theo, tả công dụng của cái cối: dùng để xay lúa.

- Tóm lại, tác giả đã quan sát cái cối xay lúa bằng tre rất tỉ mỉ. Nhờ các từ ngữ miêu tả chính xác, cách sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, nhân hoá, tác giả đã viết được một bài văn miêu tả cái cối chân thực và sinh động.

2. Theo em, khi tả một đồ vật, ta cần tả những gì?

Khi tả một đồ vật, ta cần tả bao quát toàn bộ đồ vật, sau đó đi vào tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật, kết hợp thể hiện tình cảm với đồ vật.

3. Bài văn miêu tả đồ vật gồm mấy phần? Có thể mở bài, thân bài và kết bài theo cách nào?

- Bài văn miêu tả đồ vật có ba phần là: mở bài, thân bài và kết bài.

- Có thể mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp và kết bài theo kiểu mở rộng hay không mở rộng.

II. Luyện tập:

Ở phần thân bài để tả cái trống trường, một bạn học sinh đã viết:

Anh chàng trống này tròn như cái chum, lúc nào cũng chễm chệ trên một cái giá gỗ kê ở trước phòng bảo vệ. Mình anh ta được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn, nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu. Ngang lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng. Hai đầu trống bịt kín bằng da trâu thuộc kĩ, căng rất phẳng.

Sáng sáng đi học tới gần trường, nghe thấy tiếng ồm ồm giục giã “Tùng! Tùng! Tùng!” là chúng tôi rảo bước cho kịp giờ học. Vào những lúc tập thể dục, anh trống lại “cầm càng” cho chúng tôi theo nhịp “Cắc, tùng! Cắc, tùng!” đều đặn. Khi anh “xả hơi” một hồi dài là lúc chúng tôi cũng được “xả hơi” sau một buổi học.

Em hãy:

a) Tìm câu văn tả bao quát cái trống.

Anh chàng trống này tròn như cái chum, lúc nào cũng chễm chệ trên một cái giá gỗ kê ở trước phòng bảo vệ.

b) Nêu tên những bộ phận của cái trống được miêu tả.

Mình trống, thân trống, hai đầu trống, đai trống.

c) Tìm những từ ngữ tả hình dáng, âm thanh của cái trống.

- Hình dáng: tròn như cái chum; mình được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn, nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu; ngang lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng; hai đầu trống bịt kín bằng da trâu thuộc kĩ, căng rất phẳng.

- Âm thanh: tiếng trống ồm ồm “Tùng! Tùng! Tùng!” “Cắc, tùng!” - giục trẻ rảo bước tới trường./Trống “cầm càng” theo nhịp “Cắc, tùng! Cắc, tùng!” để học sinh tập thể dục. / Trống “xả hơi” một hồi dài là lúc học sinh được nghỉ.

d) Viết thêm phần mở bài và kết bài để thành bài văn hoàn chỉnh.

- Mở bài trực tiếp: Những ngày đầu cắp sách đến trường, có một đồ vật gây cho tôi ấn tượng thích thú nhất, đó là chiếc trống trường.

- Mở bài gián tiếp: Kỉ niệm của những ngày đầu đi học thường để lại ấn tượng sâu sắc không bao giờ quên. Kỉ niệm ấy có thể vui hoặc buồn nhưng luôn gắn với những đồ vật và con người cụ thể. Với tôi, kỉ niệm của những ngày đầu đi học gắn liền với hình ảnh chiếc trống trường với những âm thanh rộn rã, náo nức lòng người.

- Kết bài tự nhiên: Tạm biệt anh trống, đám trò nhỏ chúng tôi ríu rít ra về.

- Kết bài mở rộng: Rồi đây, chúng tôi sẽ kết thúc thời gian học ở trường Tiểu học để trở thành học sinh trung học. Dù xa mái trường của những ngày thơ ấu nhưng tôi sẽ không bao giờ quên hình dáng đặc biệt của chiếc trống trường cùng những âm thanh thôi thúc, rộn ràng của nó.