BÀI LUYỆN TẬP

Chính tả - Tập làm văn

Em thử làm một số đề sau:

A. Chính tả.

Nhớ và chép lại một bài thơ đã học mà em thích.

Khi viết xong, các em có thể giở sách ra đối chiếu hoặc nhờ bạn kiểm tra hộ.

B. Tập làm văn.

Cho đề bài sau: Tả một đồ dùng học tập hoặc đồ vật mà em yêu thích.

* Tham khảo các đề sau:

ĐỀ 1: Cái hộp đựng bút của em.

* Gợi ý:

- Em để cái hộp đựng bút của em trên bàn, quan sát kĩ, rồi nhận xét:

- Hình dáng, kích thước, cấu tạo và màu sắc của nó.

- Hộp đựng bút này được làm bằng chất liệu gì (Da, gỗ, nhựa?)

- Cái hộp đựng bút này ai mua cho em? Mua vào dịp nào?

- Hình dáng, kích thước của nó ra sao? Màu gì? Được làm bằng chất liệu gì?

- Các bộ phận của hộp đựng bút gồm những gì?

- Công dụng của nó ra sao?

- Em có thích hộp đựng bút ấy không? Tại sao?

* Bài viết:

Nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 9 của em, chị Hằng tặng em một chiếc hộp đựng bút rất xinh. Hộp bút này chị mua trong dịp đi tham quan Đà Lạt vừa qua.

Hộp bút được làm bằng gỗ thông, rất nhẹ. Chiều dài của nó khoảng 20 cm, bề rộng 5 cm và chiều cao khoảng 3 cm. Trên nắp hộp khắc hình ngôi nhà sàn cùng với hai chú hươu đứng ngơ ngác dưới gốc thông. Nắp hộp mở ra, đóng lại dễ dàng. Lòng hộp có thể chứa được bốn năm cây bút các loại, cùng cây thước nhỏ và vài thứ đồ lặt vặt khác.

Có hộp đựng bút, chiếc cặp sách của em ngăn nắp hẳn lên. Bút dùng xong, em đem cất vào hộp. Đến trường, muốn dùng loại bút nào, mở hộp ra là có ngay, tiện lợi biết bao! Em quý hộp bút ấy lắm vì nó là quà tặng của người thân, kèm theo mong muốn của cả gia đình là em ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn nữa.

ĐỀ 2: Tả chiếc đồng hồ báo thức.

* Gợi ý:

I. QUAN SÁT

Em hãy quan sát chiếc đồng hồ báo thức của nhà em và ghi nhớ các đặc điểm của nó.

II. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chiếc đồng hồ của nhà em có tự bao giờ ? Được đặt ở vị trí nào trong nhà?

2. Thân bài:

a/ Tả khái quát:

- Chiếc đồng hồ này thuộc loại nào?

- Hình dáng, kích thước.

b/ Tả cụ thể từng bộ phận:

- Vỏ đồng hồ được làm bằng gì? (Sắt, nhựa,...)

- Mặt số trang trí như thế nào? Có mấy kim?

- Đồng hồ có bộ phận lên dây cót, bộ phận chuông báo thức. Cứ đúng giờ đã định là chuông kêu.

3. Kết bài:

- Chiếc đồng hồ rất có ích trong đời sống hằng ngày.

- Nó báo giờ, báo thức, nhắc nhở mọi người phải biết quý thời gian, phải biết dùng thời gian vào những việc có ích.

III. BÀI LÀM

Reng reng reng... Reng reng reng... Một hồi chuông lanh lảnh vang lên. Đó là lời gọi của bác đồng hồ. Em mở bừng mắt và nhanh nhẹn bước khỏi giường, vươn vai mấy cái cho tỉnh ngủ rồi chạy xuống sân tập thể dục buổi sáng. Sau khi báo thức, bác đồng hồ lại lặng lẽ làm công việc đếm thời gian của mình: Tích tắc, tích tắc, tích tắc...

Bác đồng hồ đã có mặt trong gia đình em lâu lắm rồi. Ông nội em nói rằng khi bố em chuẩn bị thi vào đại học, ông đã mua tặng cho bố em chiếc đồng hồ hiệu Jắc này. Bao năm tháng đã qua, bác đồng hồ vẫn đứng trên chiếc bàn học kê gần đầu giường.

Thân hình bác tròn xoe, lớn hơn miệng chiếc bát ăn cơm một chút. Lớp vỏ bọc bằng nhựa đỏ đã bạc màu. Cái chân đế màu trắng cũng đã ngả sang màu vàng nâu. Mặt số gồm mười hai chữ số và ba cây kim khác nhau. Kim chỉ giờ ngắn và to, kế đến là kim phút dài và mảnh. Kim giây chỉ nhỏ bằng cây tăm, chuyển động nhanh nhất. Phía trên là một mặt số thu nhỏ với hai cây kim. Muốn đồng hồ báo thức vào giờ nào, chỉ cần lên giây cót và quay kim đúng số.

Tuy già nua cũ kĩ thế nhưng bác đồng hồ làm việc rất cần mẫn và chính xác. Bác chẳng đòi hỏi gì nhiều. Mỗi năm, bố em lại lau dầu cho bác một lần. Cả nhà em đều coi bác đồng hồ là người bạn thân thiết và gắn bó.