I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Chú Đất Nung, nhớ kĩ nhân vật chính và các chi tiết nổi bật.

- Thể hiện đúng giọng người kể và giọng của từng nhân vật.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: buồn tênh, bỗng, cạy nắp, kị sĩ, miệng cống, phục sẵn, mảnh, hoảng hốt, thuyền lật, nhũn, tỉnh, cũ, cộc tuếch,...

II. Tóm tắt nội dung:

Muốn trở thành một người có ích, phải biết rèn luyện, không sợ gian khổ, khó khăn. Chú Đất Nung nhờ dám nung mình trong lửa đỏ nên đã rắn rỏi, cứng cáp, chịu được nắng mưa. Chú cứu sống hai người bằng bột yếu đuối qua cơn hoạn nạn.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Kể lại tai nạn của hai người bột.

Hai người bột sống trong lọ thuỷ tinh. Chuột già cậy nắp lọ, tha nàng công chúa đi. Chàng kị sĩ đi tìm nàng công chúa, bị chuột lừa vào cống. Hai người chạy trốn, thuyền lật, cả hai bị ngấm nước, nhũn cả chân tay.

2. Đất Nung đã làm gì khi thấy hai người bột gặp nạn?

Đất Nung nhảy xuống nước, vớt họ lên bờ rồi phơi nắng cho se lại.

3. Vì sao Đất Nung có thể nhảy xuống nước, cứu hai người bột?

Vì Đất Nung đã được nung trong lửa nên không còn sợ nước.

4. Theo em, câu nói cộc tuếch của Đất Nung có ý nghĩa gì?

- Câu nói ngắn gọn, thẳng thắn ấy tỏ ý thông cảm với hai người bột chỉ quen sống trong lọ thuỷ tinh, không chịu đựng được thử thách.

- Câu nói đó có ý xem thường những người chỉ sống trong sung sướng, không chịu đựng nổi khó khăn.

- Câu nói có ý nghĩa: cần phải rèn luyện mới trở nên cứng rắn, chịu đựng được thử thách, khó khăn và trở thành người hữu ích.

5. Đặt thêm tên khác cho truyện.

- Lửa thử vàng, gian nan thử sức.

- Vào đời mới biết ai hơn.

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc lại nhiều lần câu chuyện.

2/ Kể lại câu chuyện Chú Đất Nung theo lời của Đất Nung.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Tôi chứng kiến cảnh hai người bột ở mãi trong lọ thuỷ tinh nên cũng buồn. Bỗng một đêm, có con chuột già cạy nắp lọ, tha nàng công chúa và cái lầu đi mất. Chàng kị sĩ thương công chúa nên thúc ngựa vọt ra, chạy theo đến miệng cống. Lúc ấy, chuột già đã phục sẵn. Nó bảo chàng để ngựa lại, xuống thuyền vào cống tìm công chúa. Gặp công chúa trong cái hang tối, chàng kị sĩ hỏi: “Kẻ nào đã bắt nàng tới đây?”. Công chúa liền trả lời: “Lão Chuột”. Chàng kị sĩ vội hỏi: “Lầu son của nàng đâu?”. Vẻ mặt buồn rầu, công chúa đáp: “Lão Chuột ăn mất rồi!”. Chàng kị sĩ hoảng hốt, biết mình bị lừa, vội dìu công chúa chạy trốn. Chiếc thuyền mảnh trôi qua cống ra tới con ngòi. Gặp nước xoáy, thuyền lật, cả hai bị ngấm nước, nhũn cả chân tay.

Tình cờ lúc ấy, tôi đi ngang qua. Thấy hai người bột bị nạn, tôi liền nhảy xuống, vớt lên bờ rồi phơi nắng cho se lại.

Hai người bột tỉnh dần, nhận ra bạn cũ thì lạ quá, kêu lên: “Ôi, chính anh đã cứu chúng tôi đấy ư? Sao trông anh khác thế?”. Tôi hãnh diện trả lời: “Có gì đâu, tại tớ đã được nung trong lửa. Bây giờ, tớ có thể phơi nắng, phơi mưa hàng đời người ấy chứ!”.

Nàng công chúa phục quá, thì thào với chàng kị sĩ: “Còn chúng mình thì vừa mới chìm xuống nước đã nhũn cả ra!”. Tôi đánh một câu cộc tuếch: “Vì các đằng ấy ở trong lọ thuỷ tinh mà!”.