I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần các câu tục ngữ trong bài Có chí thì nên, nhớ kĩ các hình ảnh và chi tiết nổi bật.

- Đọc trôi chảy, rõ ràng từng câu tục ngữ với giọng khuyên bảo ân cần, nhẹ nhàng.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: mài sắt, quyết, lận, tròn vành, nên, nền, rã tay chèo, thất bại, câu chạch,...

II. Tóm tắt nội dung:

Các câu tục ngữ trên khuyên con người phải có ý chí thì mới thành công; phải giữ vững mục đích lập trường, không nản lòng khi gặp khó khăn.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Dựa vào nội dung các câu tục ngữ trên, hãy xếp chúng vào ba nhóm sau:

a) Khẳng định rằng có ý chí thì nhất định thành công.

Câu 1: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Câu 4: Người có chí thì nên

Nhà có nền thì vững.

b) Khuyên người ta giữ vững mục tiêu đã chọn.

Câu 2: Ai ơi đã quyết thì hành

Đã đan thì lận tròn vành mới thôi!

Câu 5: Hãy lo bền chí câu cua

Dù ai câu chạch, cậu rùa mặc ai!

c) Khuyên người ta không nản lòng khi gặp khó khăn.

Câu 3: Thua keo này, bày keo khác.

Câu 6: Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo.

Câu 7: Thất bại là mẹ thành công.

2. Cách diễn đạt của tục ngữ có đặc điểm gì khiến người đọc dễ nhớ, dễ hiểu? Chọn ý em cho là đúng nhất để trả lời:

Cách diễn đạt của tục ngữ có những đặc điểm sau khiến người đọc dễ nhớ, dễ hiểu:

- Ngắn gọn, ít chữ. Ví dụ:

Thất bại là mẹ thành công.

- Có vần, có nhịp, có đối. Ví dụ:

Thua keo này, bày keo khác.

- Có hình ảnh so sánh. Ví dụ:

Có công mài sắt, có ngày nên kim

Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo.

3. Theo em, học sinh phải rèn luyện ý chí gì? Lấy ví dụ về những biểu hiện của một học sinh không có ý chí.

Học sinh phải rèn luyện ý chí, nghị lực, tính tự giác, siêng năng, vượt khó, khắc phục sự lười biếng và những thói quen xấu của bản thân. Ví dụ về một học sinh không có ý chí:

- Gặp một bài tập khó thường bỏ luôn, không cố gắng suy nghĩ để tìm cách giải bằng được.

- Bị một vài điểm kém là buồn chán, không quyết tâm học tập để lần sau đạt điểm tốt hơn.

- Cho rằng mình không có khả năng học một môn học nào đó (Toán, Vẽ, tiếng Anh...) nên bỏ bê môn đó.

- Nằm trong chăn ấm quá, đến giờ đi học bèn nói dối bố mẹ là mình bị ốm để nghỉ học.

- Không chịu sửa thói quen xấu là ngủ dậy trễ nên thường đi học muộn.

- Thấy trời nắng quá, muốn ở nhà, nói dối bố mẹ là bị nhức đầu để trốn học.

- Thích đi xem phim hoặc trò chơi điện tử, nói dối bố mẹ là đi học nhóm.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng các câu tục ngữ trên.

2/ Em hãy kể lại một câu chuyện mà em (hoặc bạn em) đã làm có nội dung như câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

+ Tóm tắt nội dung:

Em viết chữ rất xấu nên sợ môn Chính tả. Mẹ thường khuyên em tập viết. Em đề ra kế hoạch mỗi ngày bỏ ra vài tiếng tập chép rồi nhờ mẹ chấm. Chữ em dần dần ngay ngắn, sạch sẽ, rõ ràng. Cô giáo và mẹ động viên, cuối cùng em đã đạt được kết quả tốt. Em cố gắng tiếp tục luyện tập để chữ viết ngày càng đẹp. Câu chuyện giống ý nghĩa câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

+ Kể thành lời:

Trong các môn học, em sợ nhất môn Chính tả vì chữ em rất xấu. Mỗi lần đến giờ chép Chính tả theo lời cô đọc, em thấy khổ sở vô cùng. Mẹ em thường khuyên nhủ: “Con lớn rồi, phải cố tập viết sao cho đẹp. Ông bà mình bảo nét chữ là nết người đấy con ạ!”. Em ngẫm nghĩ và thấy lời khuyên của mẹ rất đúng. Vì thế em quyết tâm tập viết hằng ngày, đến khi nào chữ trở nên sạch đẹp mới thôi.

Em tự đề ra cho mình một kế hoạch: mỗi ngày dành ra vài tiếng đồng hồ để tập chép. Trước hết, em chép lại những bài tập đọc trong sách giáo khoa. Mẹ dạy em cách cầm bút sao cho thoải mái để viết lâu không bị mỏi tay. Em học theo và đã quen dần với cách cầm bút ấy. Mỗi trang vở là một bài tập chép. Em viết nhiều lần ra nháp, sau đó mới chép vào vở. Xong một bài, em nhờ mẹ chấm điểm. Những bài đầu, mẹ chỉ cho điểm năm, điểm sáu vì còn sai chính tả và nét chữ chưa đều. Nhưng em không nản chí, càng cố gắng hơn.

Đến những bài sau, em đã có nhiều tiến bộ. Những dòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối hiện dần ra dưới ngòi bút của em. Mẹ và cô giáo không ngừng động viên em. Điều đó làm cho em tăng thêm quyết tâm phấn đấu. Lần đầu tiên, được cô giáo cho điểm 10 Chính tả, em vô cùng sung sướng! Thế là em đã chiến thắng được bản thân. Em đã trở thành người học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập.

Từ nay, cái biệt danh Tuấn gà bươi mà mấy bạn tinh nghịch trong lớp đặt cho em không còn nữa. Dù vậy, em vẫn kiên trì tập viết để nét chữ ngày một đẹp hơn. Đúng là Có chí thì nên; Có công mài sắt, có ngày nên kim, phải không các bạn?!