I. ÔN TẬP LÍ THUYẾT
Kể chuyện là dựng lại cho người đọc, người nghe câu chuyện về một hay nhiều người, một việc hay nhiều việc nào đó (đã xảy ra) mà họ chưa biết, giúp họ hình dung ra và rung cảm với câu chuyện.
Phần kể chuyện trong chương trình lớp 4 tiếp tục nâng cao yêu cầu về kĩ năng kể chuyện của học sinh. Ở lớp 3, học sinh tập kể lại những mẩu chuyện, những câu chuyện ngắn, đơn giản. Lên lớp 4, các em phải kể lại những câu chuyện dài hơn, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật và khó nhớ hơn. Vì vậy, muốn kể lại chuyện được đầy đủ và hay, các em cần nắm vững phương pháp kể.
1. Phương pháp làm bài:
* Bước 1: Đọc lại truyện cần kể nhiều lần hoặc nhớ lại nội dung câu chuyện mình định kể. Chú ý nhớ kĩ những nhân vật chính, sự việc chính, những chi tiết quan trọng để có thể kể lại đúng và đủ theo thứ tự nội dung cốt truyện. Nắm vững chủ đề của truyện.
* Bước 2: Tóm tắt nội dung truyện theo ý lớn của từng đoạn (trong năm hoặc bảy câu).
* Bước 3: Em ghi vào vở nháp dàn ý vắn tắt của truyện (các nhân vật chính, các tình tiết chính trong phần mở đầu, diễn biến và kết thúc truyện).
* Bước 4: Dựa trên dàn bài vắn tắt, dùng lời văn của mình để kể lại từ đầu đến cuối truyện một cách rõ ràng, mạch lạc và đầy đủ. Sau đó viết thành một bài văn kể chuyện.
Chú ý: Không sao chép y nguyên lời văn trong sách.
2. Dàn bài chung:
a/ Mở bài:
Giới thiệu hoàn cảnh và nhân vật. (Câu chuyện xảy ra ở đâu? Bao giờ? Có những nhân vật nào?)
b/ Thân bài:
Diễn biến của câu chuyện như thế nào? Truyện có những sự việc nào, chi tiết nào tiêu biểu? Các sự việc ấy xảy ra như thế nào?
Lần lượt nêu các chi tiết, sự việc, nhân vật chính trong từng đoạn.
c/ Kết bài:
- Câu chuyện kết thúc ra sao?
- Theo chiều hướng tốt hay xấu?
- Câu chuyện gợi cho em cảm nghĩ gì?
- Bài học rút ra từ câu chuyện là gì?
II. GỢI Ý ĐỀ KIỂM TRA
ĐỀ 1: Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tấm lòng nhân hậu.
* Tham khảo cách kể sau:
Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất và đông dân nhất nước. Hằng ngày, các con đường lúc nào cũng tấp nập người và xe cộ trông giống như những dòng sông cuồn cuộn tuôn chảy ra biển lớn. Giờ cao điểm, nhiều nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông. Vì thế nên việc đi lại khá vất vả, nhất là với người đi bộ. Ngày nào đi học, em cũng chứng kiến cảnh ấy ở ngã tư đường Nguyễn Tri Phương và đường 3 tháng 2 thuộc quận 10.
Trưa thứ sáu tuần trước, em về đến đây thì đèn đỏ bật lên. Mấy người đi bộ vội vã băng qua phần đường dành cho người đi bộ. Có một bà cụ già tay chống gậy, vẻ mặt lo lắng, chưa dám bước qua. Em đến bên cụ, nhẹ nhàng bảo: “Bà ơi, bà nắm lấy tay cháu, cháu sẽ dắt bà!”. Bà cụ mừng rỡ: “Thế thì tốt quá! Cháu giúp bà nhé!”. Em bình tĩnh đưa bà cụ sang đến vỉa hè trước của Uỷ ban Quận 10. Bà cụ bảo rằng bà đến thăm đứa cháu nội bị ngã xe đạp, sai khớp chân phải nghỉ học ở nhà.
Em đi cùng bà một quãng thì chia tay và không quên dặn bà đi cẩn thận. Bà cười móm mém và xiết chặt tay em: “Bà cảm ơn cháu! Cháu ngoan lắm, biết thương người già yếu! Bà sợ qua đường lắm vì một lần đã bị cậu bé chạy xe đạp vượt đèn đỏ đụng phải. Gớm! Người ta bây giờ chạy xe cứ ào ào, gây ra bao nhiêu tai nạn. Vội gì mà vội khiếp thế cơ chứ? Hôm nay may mà bà gặp được cháu! Thôi, cháu đi nhé!”.
Em nhìn theo mái tóc bạc và cái dáng còng còng, bước đi chậm chạp, run rẩy của bà cụ mà trong lòng trào lên tình cảm xót thương. Ôi, những người bà, người mẹ đáng kính, suốt đời chỉ biết lo cho con, cho cháu! Giúp bà cụ qua đường là một việc rất nhỏ nhưng em cũng thấy vui vui. Đúng như lời ông nội em thường nhắc nhở: “Thương người như thể thương thân, cháu ạ! Đạo lí của dân tộc Việt Nam mình là như thế đấy!”.
ĐỀ 2: Kể lại câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca bằng lời của cậu bé An-đrây-ca.
Tham khảo bài kể Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca ở Tuần 6.
ĐỀ 3: Kể lại câu chuyện “Vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi bằng lời của một chủ tàu người Pháp hoặc người Hoa.
Tham khảo bài kể “Vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi ở Tuần 12.