I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Văn hay chữ tốt, nhớ kĩ nhân vật chính và các chi tiết nổi bật.

- Giọng đọc rõ ràng, rành mạch, thể hiện được diễn biến câu chuyện và tính cách của từng nhân vật.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Cao Bá Quát, khẩn khoản, oan uổng, lá đơn, vui vẻ, sẵn lòng, lí lẽ, rõ ràng, luyện viết, nổi danh,...

II. Tóm tắt nội dung:

Ca ngợi đức tính kiên trì, quyết tâm luyện viết chữ cho thật đẹp của Cao Bá Quát. Sau khi hiểu ra rằng chữ xấu rất có hại, Cao Bá Quát đã dốc sức rèn luyện. Sau này, ông trở thành người nổi tiếng văn hay chữ tốt.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Vì sao Cao Bá Quát thường bị điểm kém?

Vì chữ viết rất xấu, dù bài văn của ông rất hay.

2. Thái độ của Cao Bá Quát như thế nào khi nhận lời giúp bà cụ hàng xóm viết đơn?

Cao Bá Quát vui vẻ nói: “Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng”.

3. Sự việc gì xảy ra đã làm Cao Bá Quát phải ân hận?

Lá đơn của Cao Bá Quát viết hộ bà cụ vì chữ quá xấu nên quan không đọc được. Bực mình, quan thét lính đuổi bà cụ về, khiến bà cụ không giải được nỗi oan.

4. Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ như thế nào?

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi tối, viết xong mười trang vở ông mới đi ngủ. Ông mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu; luyện viết liên tục suốt mấy năm trời.

5. Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện.

- Mở bài: Từ đầu... đến vẫn bị thầy cho điểm kém:

Chữ viết xấu đã gây bất lợi cho Cao Bá Quát từ thuở còn đi học.

- Thân bài: Từ Một hôm... đến nhiều kiểu chữ khác nhau:

Cao Bá Quát ân hận vì chữ mình quá xấu nên đã làm hỏng việc của bà cụ hàng xóm. Từ đó, ông quyết tâm luyện viết chữ cho thật đẹp.

- Kết bài: Đoạn còn lại:

Cao Bá Quát đã thành công, nổi danh là người văn hay chữ tốt.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc lại nhiều lần bài văn.

2/ Kể lại câu chuyện Văn hay chữ tốt theo lời của Cao Bá Quát.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Tôi là Cao Bá Quát, quê ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ đi học, chữ tôi rất xấu nên nhiều bài văn dù viết hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu lên quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn có được không?

Tôi vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc đó cháu xin sẵn lòng!

Là đơn viết lí lẽ rõ ràng, tôi yên trí quan trên sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ tôi xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà cụ kể lại chuyện ấy khiến tôi vô cùng ân hận. Tôi biết dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì. Từ đó, tôi dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, tôi cầm que vạch lên cột nhà luyện cách viết nét “sổ thẳng” cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, tôi viết xong mười trang giấy mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, tôi lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ tôi mỗi ngày một đẹp. Sau này, tôi nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.